Liên đội đã tuyên truyền cho học sinh toàn trường về phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh đuối nước và Luật trẻ em.
Lượt xem:
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Điều đó giúp các em tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Một trong những kĩ năng được các các nhà trường đặc biệt chú trọng là phòng, tránh tai nạn đuối nước. Theo báo cáo của ngành Y tế nước ta, trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ em bị đuối nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhất là những nơi có nhiều sông ngòi, ao, hồ. Thời gian nghỉ hè của các em học sinh đang tới gần, nếu các em không được thường xuyên giáo dục, nhắc nhở rất có thể gây lên những đáng tiếc có thể xảy ra. Vì vậy mỗi chúng ta cần có những hiểu biết về việc phòng, chống tai nạn đuối nước.
1. Nguyên nhân gây đuối nước:
– Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.
– Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước… không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước… không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người… đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
– Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…
2. Phòng tránh tai nạn đuối nước:
– Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông … trong khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cần phải tránh xa.
– Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi.
3. Xử lí khi gặp tai nạn đuối nước: Nếu được cấp cứu kịp thời thì có thể dẫn đến thiệt mạng. Vì vậy khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng… và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc… từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…
– Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
– Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.
– Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.
– Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…
Hy vọng rằng, các em được nhà trường tuyên truyền, nhắc nhở sẽ có được những hiểu biết cần thiết, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới người thân và những người xung quanh để không xảy ra những điều đáng tiếc nào về tai nạn đuối nước. Đặc biệt là việc tập luyện kỹ năng bơi lội vào dịp hè hàng năm, các em nên tham gia các lớp hướng dẫn tập bơi. Các em nhớ nhé!
BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÒNG TRÁNH XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
Trong thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 – 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.. Không ít trường hợp xâm hại tình dục gây chấn động dư luận vì người gây tội ác lại chính là những người thân thiết trong gia đình. Do đó, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân là rất cần thiết cho các em.
Vậy, những dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục ra sao? Cần trang bị những kỹ năng phòng vệ cho trẻ như thế nào? Các em cùng tìm hiểu nhé !
1/ Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em.
2/ Đối tượng xâm hại
+ Người quen thân thiết: chú, bác, anh em, hàng xóm….
+ Người không quen biết.
+ Thành phần: nam, nữ mọi lứa tuổi.
3/ Các mức độ xâm hại tình dục
Hành vi xâm hại tình dục có thể thay đổi từ việc sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay, giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Xâm hại tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em
4/ Tác hại của việc xâm hại tình dục
+ Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khoẻ của trẻ.
+ Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
+ Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc.
+ Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
+ Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.
5. Các quy tắc phòng chống nguy cơ bị xâm hại:
– Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
– Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.
– Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
– Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa .
– Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
– Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
– Không nói chuyện điện thọai với người lạ khi đang ở nhà một mình.
– Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
– Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình) .
– Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.
6. Những chỉ dẫn giúp các em tránh nguy cơ bị động chạm không an toàn, bị xâm hại:
– Đứng ngay dậy
– Nhìn thẳng vào kẻ định sàm sỡ
– Lùi ra xa đủ để không cho họ với tay được đến mình.
– Nói to/hét to và kiên quyết: Không! Hãy dừng lại ! Tôi không cho phép! Tôi không muốn! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người …
(Có thể nhắc đi nhắc lại).
– Bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu họ tìm cách sờ nắn hoặc ôm ấp mình và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
– Kể ngay với cha mẹ hoặc những người tin cậy. Nếu người thứ nhất chưa tin lời em thì kể với người thứ hai, nếu người thứ hai chưa tin thì kể cho người thứ ba,… cho đến lúc có người tin và giúp đỡ. Cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, trụ sở công an gần nhất,… hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng là người các em cần tìm và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ.
– Nếu em bị sàm sỡ, xâm hại, hãy kể ngay với cha mẹ, người thân và cùng người lớn đến cơ sở y tế để khám.
– Các em không nên phớt lờ, chối bỏ, né tránh vấn đề.
7. Cách xử lý khi bị xâm hại tình dục.
+ Nói chuyện với bố, mẹ, người thân,… về việc đã xảy ra để có cách giải quyết.
+ Không giấu diếm mọi chuyện mà phải tìm cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những bạn khác.
+ Không che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.
+ Nhờ bố mẹ, người thân đưa đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
Trên đây là một số kỹ năng giúp các em phòng chống quấy rối và xâm hại. Nhà trường, gia đình và thầy, cô giáo luôn tin tưởng các em, mong các em luôn dũng cảm, luyện tập trước những kỹ năng ứng biến để bình tĩnh, xử lý!
8. Một số hình ảnh tuyên truyền của Liên Đội